Hiện đại hóa ngành bao bì nhựa

Ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất trong nhiều năm qua, với tốc độ tăng trưởng liên tục khoảng 20 – 25%/năm. Tuy nhiên, cho đến nay, ngành nhựa vẫn chỉ được biết đến như một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, mang nặng tính tự phát, doanh nghiệp chưa thật sự gắn bó, hỗ trợ nhau tạo sức mạnh tổng hợp để cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường…



Các chuyên gia cho rằng những yếu điểm này cần sớm được khắc phục để đưa ngành nhựa sớm thực hiện mục tiêu hiện đại hóa và tự động hóa, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường được đánh giá là rất tiềm năng, cả nội địa cũng như nước ngoài.
Phải có chiến lược phát triển lâu dài
Nhu cầu nhựa dân dụng trong nước rất lớn với khoảng gần 90 triệu dân trong đó gần 50% là dân số trẻ. Đây là thị trường hết sức tiềm năng cho việc cung ứng các sản phẩm nhựa gia dụng do những thuận lợi trong việc sử dụng và thói quen thay thế các vật liệu khác của tầng lớp dân số trẻ này. Dự báo trong 15 năm tới, sản lượng nhựa gia dụng sẽ vẫn tăng trưởng, tuy nhiên tỷ trọng có xu hướng giảm từ 21% năm 2010 xuống khoảng 18 – 20% vào năm 2020.
Sự suy giảm tỷ trọng của các sản phẩm nhựa gia dụng cũng như sản phẩm nhựa bao bì trong tổng sản lượng các sản phẩm nhựa không phải do suy giảm sản xuất, giảm tăng trưởng, mà do khối lượng sản phẩm tuyệt đối (tấn/năm) các ngành hàng này đã lớn, nên mặc dù tăng trưởng sản lượng hàng năm ở mức cao nhưng tỷ trọng tính ra phần trăm thì vẫn tăng không nhiều.
Đối với sản phẩm nhựa kỹ thuật, tại thị trường trong nước, sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã có mặt ở hầu hết các ngành công nghiệp, xây dựng, điện tử… Những sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao như ống dẫn dầu, đồ nhựa cho tủ lạnh, tivi, máy vi tính… cũng được các doanh nghiệp trong nước sản xuất thành công. Tại thị trường nước ngoài, sản phẩm nhựa của Việt Nam được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao do công nghệ đã tiếp cận với công nghệ hiện đại của thế giới và được thị trường chấp nhận.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đối với các thương hiệu Việt đã nổi tiếng, có uy tín trong nước, cần có chiến lược phát triển lâu dài trên cơ sở mở rộng sản xuất để giữ vững và phát triển thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, củng cố và phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm tin cậy, thuận lợi, uy tín với khách hàng.

Phế liệu nhựa được xem như một giải pháp để giảm sức ép từ cơn sốt giá nguyên liệu nhựa. Nguồn phế liệu nhựa trong nước rất dồi dào nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng được. Nguyên nhân là do hệ thống thu gom nhỏ lẻ, không tập trung; phế liệu hầu như không được xử lý và phân loại theo đúng quy cách, công nghệ tái chế thì quá lạc hậu.
Các nhà máy nhựa hiện nay đã quay vòng được 100% lượng nhựa phế thải trong quá trình sản xuất của mình, do vậy, nhựa tái chế được đề cập đến ở đây là lượng phế thải dân sinh và công nghiệp khác. Việc hình thành các nhà máy tái chế phế liệu nhựa sẽ là bước khởi đầu trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng khó khăn về nguyên liệu cho doanh nghiệp. Vốn đầu tư cũng không lớn nhưng việc thu gom phế thải theo hệ thống để có đủ nguyên liệu cho nhà máy lại là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.
Cần phải có sự quan tâm của Nhà nước vì đây là một công việc có tính toàn xã hội. Các cấp chính quyền cần phải vào cuộc từ việc giáo dục ý thức cho người dân trong phân loại và thải bỏ rác đúng với yêu cầu đến hình thành hệ thống thu gom từ các hộ dân, đơn vị sản xuất cho đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý phế thải nhựa. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ giải quyết được 2 vấn đề lớn là bảo vệ môi trường và tiết kiệm ngoại tệ do giảm lượng nguyên liệu phải nhập khẩu cho ngành nhựa hàng năm.
Chấm dứt sự phát triển tự phát
Dù có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng ngành nhựa Việt Nam chủ yếu được biết đến như một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, trong khi đó lại không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất. Hiện nay, mỗi năm ngành nhựa cần trung bình khoảng 2,2 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS…, chưa kể hàng trăm loại hóa chất phụ trợ khác nhau. Trong khi khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 450.000 tấn nguyên liệu.
Ngoài ra, giá thành sản xuất của ngành nhựa cũng bị biến động theo sự biến động của giá cả nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là sự biến động về giá của hai loại nguyên liệu được sử dụng nhiều trong sản xuất là PP và PE, với mức tăng trung bình là 13%. Số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm nhựa sản xuất của Việt Nam còn đơn điệu chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu, của các ngành kinh tế sử dụng sản phẩm nhựa kỹ thuật, của người tiêu dùng.
Giá trị xuất khẩu sản phẩm nhựa trong thời gian qua đạt mức cao và tăng trưởng nhanh, nhưng mới chỉ chiếm 0,02% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nhựa toàn cầu. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay phần lớn có quy mô vốn nhỏ, nên đang chịu áp lực cạnh tranh đối các doanh nghiệp FDI có thế mạnh về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, sự phát triển của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam mang nặng tính tự phát, chưa theo quy hoạch, các doanh nghiệp nhựa vẫn chưa thật sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau tạo sức mạnh tổng hợp để cạnh tranh có quả trên thị trường.
Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể
Chính phủ thực hiện chính sách ưu tiên tín dụng đầu tư để các dự án chế tạo khuôn mẫu được vay 85% vốn của Ngân hàng Đầu tư Phát triển, có bảo lãnh vay vốn cho từng dự án cụ thể khi vay vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích như xây dựng chương trình khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm khuôn mẫu quốc gia, đạt trình độ quốc tế và có khả năng xuất khẩu. Chương trình này phải xuất phát từ những sản phẩm có tiềm năng của doanh nghiệp và có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu đào tạo trong và ngoài nước để hoàn thiện công nghệ, sản phẩm công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ.

Chúng ta cần phát triển ngành nhựa theo hướng hiện đại, tăng cường tự động hóa, từng bước loại bỏ công nghệ, thiết bị cũ, thay thế bằng các thiết bị tiên tiến, hiện đại của thế giới, sử dụng công nghệ vật liệu mới đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng, an toàn vệ sinh, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, xây dựng ngành công nghiệp xử lý phế liệu nhựa mạnh để tận dụng phế liệu nhựa và hạn chế việc phát thải ra môi trường theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Đầu tư phát triển cho ngành nhựa rất cần đi thẳng vào công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bảo đảm môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lĩnh vực ứng dụng quan trọng nhất của các sản phẩm nhựa Việt Nam hiện tại là các sản phẩm gia dụng chiếm gần 21% giá trị toàn ngành; tiếp theo là ngành bao bì, chiếm 39%; nhựa vật liệu xây dựng 21%, nhựa kỹ thuật cao 21%. Do đó, để ngành nhựa tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, theo tôi, chúng ta cần định hướng đầu tư vào sản xuất phục vụ ngành công nghiệp, chế tạo khuôn mẫu, chế tạo thiết bị cho ngành nhựa. Tiếp tục nâng dần tỷ trọng sản phẩm kỹ thuật cao để thay thế cho các sản phẩm nhập khẩu, nhằm đáp ứng vai trò là ngành phụ trợ cho các ngành công nghiệp.
Để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước, Nhà nước cần có chính sách bảo lãnh vay tín dụng cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư dài hạn tới 10 – 15 năm với lãi suất ưu đãi như đối với ngành cơ khí trọng điểm, và được ân hạn 3 – 5 năm. Các dự án đầu tư cho sản xuất khuôn mẫu ngành nhựa cũng cần được ưu tiên đầu tư như đối với sản xuất nguyên liệu vì đây cũng là cơ sở hạ tầng cho ngành nhựa. Sản xuất cơ khí khuôn mẫu cũng cần được hưởng vay vốn ưu đãi như đối với ngành cơ khí trọng điểm với thời gian 12 năm, ân hạn 5 năm.
Giải pháp quan trọng nhất quyết định mức tăng trưởng của ngành, chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành và cơ cấu theo vùng lãnh thổ là huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư như vốn vay tín dụng trong nước, vốn liên doanh liên kết, vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi của Chính phủ, nguồn vốn đầu tư nước ngoài… Do đó, chúng ta cần phải khuyến khích các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đầu tư tài chính, chất xám vào sản xuất các phụ tùng thay thế cho các phụ tùng, linh kiện còn phải nhập ngoại của các nhà máy đã đi vào hoạt động hay đang có kế hoạch đầu tư. Chính sách này có thể là giảm thuế 15% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu, 10% trong 5 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường xuất khẩu, bao gồm cả các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng, đặc biệt chú trọng tới nhu cầu và đặc tính tiêu dùng của các thị trường, tạo cơ sở cho việc phát huy các lợi thế so sánh của ngành nhựa phù hợp với nhu cầu của các thị trường chủ chốt. Tăng cường công tác tiếp thị, nắm bắt thông tin, tiếp cận với các bạn hàng trực tiếp, giảm dần các khâu trung gian.
Công ty TNHH Bao Bì Hạnh Phúc

Tel : 0988.955.988 (anh Phúc) 

Đường số 10,KCN Sóng Thần 1,Dĩ An,Bình Dương
Web : http://baobinhuapp.com/